Để bảo tồn sự đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài việc phục hồi rạn san hô, các ngành chức năng, địa phương cần cố gắng gìn giữ được những thảm cỏ biển còn lại; phục hồi rừng ngập mặn; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào vịnh, hạn chế rác thải nhựa…; đồng thời giải quyết vấn đề sinh kế bền vững cho người dân đang sinh sống trong khu vực vịnh Nha Trang.
Cần kiểm soát nguồn xả thải, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ở cửa sông
Vịnh Nha Trang có nhiều nguồn nước từ sông đổ ra. Việc xả nước thải, rác thải ra sông Cái, sông Quán Trường, từ các dự án ven bờ, các hoạt động du lịch… đều ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang. Theo các nhà khoa học, để bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang nói chung và bảo tồn các rạn san hô nói riêng, việc kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn; nghiêm cấm việc xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý vào vịnh Nha Trang như trường hợp ở cửa xả Hòn Một mà báo chí đã phản ánh mới đây.
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang tham gia trồng rừng ngập mặn góp phần phục hồi đa dạng sinh học vịnh Nha Trang.
Từ quá trình xử lý vụ việc nói trên, UBND TP. Nha Trang đã có những chỉ đạo để giải quyết các vấn đề liên quan, như: kiểm tra việc đấu nối nước thải của các hộ kinh doanh trên địa bàn; kiến nghị UBND tỉnh sớm vận hành Nhà máy xử lý nước thải phía bắc và các trạm bơm để xử lý lượng nước thải phát sinh tại khu vực phía bắc thành phố; chỉ đạo thực hiện các đề án cải tạo môi trường, nâng cao sinh kế đối với cộng đồng dân cư sinh sống tại các "điểm nóng" về môi trường ven sông Cái…
Một trong những giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng nước đổ ra vịnh Nha Trang đó là tổ chức trồng lại rừng ngập mặn ở các cửa sông. Trong thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã tổ chức trồng mới rừng ngập mặn tại Đầm Bấy (1,4ha), cửa sông Tắc (0,6ha), bãi bồi ven sông Cái (0,5ha)… Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cần phải có những đợt trồng rừng ngập mặn với quy mô lớn hơn ở cửa sông để hạn chế trầm tích chảy ra biển. Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã chỉ đạo BQL vịnh Nha Trang phối hợp với các xã, phường đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ven các sông đổ ra vịnh Nha Trang; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với hệ sinh thái cửa sông, ven biển. Thành phố cũng sẽ xây dựng đề án giải quyết triệt để vấn đề về môi trường ven sông Cái với các giải pháp cụ thể, như: Làm lại bờ kè, thu gom rác thải sinh hoạt đối với toàn bộ hộ dân sinh sống dọc sông, phục hồi hệ sinh thái cây ngập nước trước đây; xây dựng sinh kế cho người dân theo hướng làng du lịch ven sông…
Hướng đến tạo sinh kế bền vững cho người dân
Trong vịnh Nha Trang có 19 đảo lớn nhỏ, trong đó ở phường Vĩnh Nguyên, đảo Trí Nguyên có 800 hộ với gần 4.000 nhân khẩu đang sinh sống. Tương tự, ở Tổ dân phố Bích Đầm (một phần của đảo Hòn Tre) có hơn 228 hộ dân với 880 nhân khẩu. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, tham gia các dịch vụ du lịch. Nếu sinh kế cho những người dân nơi đây thiếu bền vững thì nguy cơ về đánh bắt hải sản trái phép, xả rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường... làm nguy hại cho rạn san hô trong vịnh rất cao. Chính vì vậy, Kế hoạch bảo tồn vịnh Nha Trang đã đưa ra giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải Dương học, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển sang nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, kết hợp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, ở khu vực này, hoạt động du lịch rất sôi động với Khu du lịch Vinpearl, Khu du lịch Hòn Tằm và nhiều điểm du lịch khác ở các đảo Hòn Tre, Trí Nguyên... nên cần đẩy mạnh đối thoại, hợp tác công - tư trong việc bảo tồn rạn san hô và đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang.
Liên quan đến vấn đề tạo sinh kế cho người dân trong khu vực vịnh Nha Trang, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại Tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên”. Khi dự án này triển khai, người dân ở Bích Đầm sẽ giảm dần việc phụ thuộc kinh tế vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo cách thiếu bền vững như hiện nay. Đặc biệt, đầu tháng 8-2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với UBND TP. Nha Trang, BQL vịnh Nha Trang, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam đã khởi động Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun”. Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: "Dự án có 3 mục tiêu chính: Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế đối thoại công - tư trong bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang và bảo tồn rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang; tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang và xác lập nền tảng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Tổ dân phố Bích Đầm sống lân cận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang…".
Theo Nghị định số 26/2019 của Chính phủ, các khu bảo tồn biển có 4 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ - hành chính (được triển khai hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát); vùng đệm của khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, trước đây, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang chỉ có 3 phân khu. Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, để triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang thì cần sớm triển khai việc khảo sát, phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, bởi đây là cơ sở để triển khai nhiều giải pháp khác, trong đó có việc quy hoạch lại khai thác và nuôi trồng thủy sản, các hoạt động du lịch trong vịnh, triển khai các hợp tác công - tư trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang...
Theo baokhanhhoa.vn