Vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ XVIII một số bà con từ Bình Định, Phú Yên với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau đã di dân vào đất Khánh Hòa tìm nơi lập nghiệp. Đoàn di dân khoảng 10 người gồm có các dòng tộc: Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm. Đoàn người cùng nhau định cư khai hoang, mở rộng đất đai, lập làng. Cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn, bà con hàng ngày khai hoang, phát rẫy trồng cây, đánh bẫy thú rừng để tìm kế sinh nhai. Đây là thời kỳ gian khổ, họ phải luôn đối đầu với đe dọa rình rập của thú rừng, với thiên tai, địch họa, bệnh tật, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại. Buổi đầu sơ khai dựng nghiệp chưa có đình miếu, chưa có tên làng, trải qua thời gian bà con một lòng đoàn kết, đồng cam cộng khổ kiên định lập làng trên vùng đất này và quyết định xây đình tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền. Đình Phú Xương và đình Đường Đệ ra đời từ đó, là nơi thể hiện sự tri ân những người đã có công khai khẩn vùng đất và cũng là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Cho đến những năm giữa thế kỷ XX, vùng đất Vĩnh Hải ngày nay vẫn còn là đất rừng, đồi trải dài khá hoang vu, dân cư thưa thớt. Dưới thời Pháp thuộc, Vĩnh Hải vẫn là vùng đất hoang vu, nằm ở rìa phía Bắc thị xã Nha Trang với rừng rậm và đồng cỏ đế mênh mông nên gọi là Đồng Đế; dân cư thưa thớt, nằm từng cụm từ 5 đến 10 hộ gia đình, chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dân cư bắt đầu đông đúc hơn, chủ yếu có mấy nguồn tăng dân số: Do nhiều lý do lịch sử khác nhau, một bộ phận dân cư làng làng Mỹ Lợi (huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vào lập làng sinh sống. Đến ngày 20/7/1955, hơn 1000 giáo dân được Ban định cư Chính phủ Ngô Đình Diệm bố trí ra ở đây định cư và mang tên cũ là Ba Làng (như tên cũ của người dân ở các tỉnh phía Bắc hay sử dụng).
Từ năm 1955 - 1975, cơ cấu dân số vẫn chủ yếu tăng cơ học, có một số dân lánh nạn chiến tranh từ các tỉnh Ngũ Quảng (tức thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), Bình Phú (tức Bình Định, Phú Yên ngày nay) vào sinh sống, chủ yếu dọc bờ biển phía Đông (thuộc cụm Ba Làng), tạo lập một số cơ sở Thiên chúa giáo như ở đồi La Sang (Vĩnh Phước), Tu Viện (nay là Trường Cao đẳng Du lịch), nhà thờ Thanh Hải, Bệnh viện Phong, chùa Phú Đức... Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đất đai hoang hóa, chủ yếu là đồi núi, sỏi đá, thiếu nước nhưng với lực lượng lao động dồi dào họ đã thuê, khai hoang vỡ hóa, nhận khoán, mua thêm diện tích trồng rau xanh, củ, quả cung cấp thực phẩm cho thị xã Nha Trang.
Vào những thập niên 70, 80 của cuối của thế kỷ trước, vùng đất Vĩnh Hải đã được đánh thức, nhanh chóng thu hút nguồn dân cư từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống và lập nghiệp. Cùng với việc tăng dân số do quá trình sinh tự nhiên, việc tăng dân số cơ học từ các nguồn: khu gia đình của nhà máy Sợi Nha Trang (cũ), Trường quân sự tỉnh Khánh Hòa; Trường sĩ quan Thông tin; khu tập thể Bộ Nội vụ; Công ty Bông Trung ương; nhà máy Z.753 Hải quân; Bệnh viện Lao, Bệnh viện Da Liễu, Công ty cà phê ca cacao, Phân viện Thu y miền Trung; Trại huấn luyện chó nghiệp vụ…đã bổ sung một lượng lớn dân cư, có trình độ dân trí cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hưu trí từ các nguồn quân - dân - chính - đảng là công dân của phường có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn phong phú tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển địa phương ngày càng có hiệu quả.
Dân số Vĩnh Hải đến năm 2010 có khoảng 7.200 hộ và 26.000 nhân khẩu. Đây là lực lượng đông đảo, to lớn tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Một số di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tiêu biểu
- Đình Phú Xương: Căn cứ vào sắc phong thì năm Thành Thái thứ 2 (1890), đình thuộc xã Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Năm Duy Tân thứ 3 (1909), đình thuộc xã Phú Xương, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Năm Khải Định thứ 9 (1924), đình vẫn thuộc xã Phú Xương, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.
Theo các cụ hào lão kể lại, đình Phú Xương xưa thuộc thôn Phú Toàn sau đổi thành Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương. Đầu tiên đình do 05 dòng tộc Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm trong làng xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đình xây dựng tại làng Bà Đỡ (nay là thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc) và lấy tên làng Phú Toàn làm tên đình. Lúc này đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa, lá. Theo cách phát âm địa phương “Phú Toàn” dễ đọc lệch thành “Phú Tàn” là nghèo nàn, không phát triển, dự báo một tương lai là không tốt đẹp nên các vị hào lão xin nhân dân chuyển đổi tên làng thành “Phú Nhơn”, với ý nghĩa con người chịu khó, cần cù lao động sáng tạo, biết trọng nhân nghĩa thì sẽ giàu có, sung túc.
Sau này đường rày xe lửa chạy qua gần làm rung chuyển đình và các cụ hào lão thấy Gò Hương nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại, cúng tế, hội họp và sinh hoạt văn hóa của nhân dân nên các cụ và nhân dân quyết định chuyển đình đến Gò Hương. Lúc này, đình được xây bằng gạch ghè ống, mái lợp ngói móc (ngói vẩy). Đình thuộc xã Phú Xương, nên tên đình được gọi là đình Phú Xương theo địa danh làng xã lúc bấy giờ và không thay đổi đến ngày nay.
Địa điểm đình hiện nay là số 19, đường Phú Xương, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng dân tộc, đình Phú Xương là một cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng địa phương. Nhưng sau khi quận Vĩnh Xương dời từ Phú Vinh về Vĩnh Hải và đóng gần đình Phú Xương thì bị phát hiện, cơ sở bị tan rã.
Đình Phú Xương có các ban thờ Thành Hoàng, Thánh Mẫu Thiên YANa, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền bối, Hậu bối. Anh hùng liệt sĩ, Sơn lâm chúa tướng, Thổ công, Tiên sư Tổ sư, Sơn quân, Ngũ hành. Dân làng phụng cúng Tôn ông Trần Ngôn là Tiền hiền khai khẩn và ông Trần Đại (cháu nội ông Trần Ngôn) là hậu hiền khai cơ.
Ngày nay, đình Phú Xương còn lưu giữ các câu đối, chuông, lư hương, chân đèn, mõ và 5 sắc phong do các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định của triều Nguyễn ban tặng. Các sắc phong cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại đình, miếu.
Các sắc phong gồm: Sắc phong đời vua Thành Thái năm thứ 2 (1890) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng; Sắc phong đời vua Thành Thái năm thứ 2 (1890) phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi; Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Bổn Cảnh Thành hoàng; Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi; Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bổn Cảnh Thành Hoàng.
Đình Phú Xương ngày nay đã được trùng tu tôn tạo lại. Đình vẫn giữ được những nét kiến trúc theo lối cổ như cổ lầu, hoa văn trang hình “Lưỡng Long chầu nhật”, “Long Mã cõng Hà đồ”…trên hệ mái, án phong và nghi môn. Do đó, tuy đình đã được trùng tu nhưng bờ mái cong cong của mái đình truyền thống Việt Nam, hệ mái có cổ lầu của đình làng truyền thống ở Khánh Hòa vẫn được giữ lại và tạo nên nét cổ kính của ngôi đình.
Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là nơi thờ phụng Thành Hoàng làng, Thiên YANa Thánh mẫu, tiền hiền, hậu hiền, anh hùng liệt sĩ…Thông qua lễ hội, những bài văn tế, những truyền thống lịch sử của địa phương…được lưu truyền lại cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Song song đó, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cũng được bồi đắp thêm cho mỗi người dân. Mặt khác, những dịp lễ hội, cúng giỗ ở đình đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Giúp cho mỗi người dân Phú Xương dù đi đâu xa cũng nhớ về quê hương, về “nơi chôn rau cắt rốn” của mình.
Đình Phú Xương còn là trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa của phường Vĩnh Hải. Ủy ban nhân dân phường xem đây là một địa chỉ để giáo dục và bồi đắp truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Đình được xếp vào loại hình Di tích lịch sử (cấp tỉnh).
- Giáo xứ Thanh Hải: Năm 1945, có 4 gia đình Công giáo đến định cư sinh sống tại Ấp Phú Xương, Quận Vĩnh Xương, Tỉnh Khánh Hoà. Thời bấy giờ, nơi này còn hoang vắng, cọp beo thú dữ hoành hành. Cùng lúc đó, một số gia đình Công giáo khác đã đến sống quanh sườn đồi Cù Lao Xóm Bóng. Với tinh thần truyền giáo và nhiệt tâm phục vụ theo Linh đạo của cha thánh Phanxicô, các Cha đã qui tụ các gia đình về Ấp Phú Xương, thành lập một Cộng đoàn Kitô hữu.
Năm 1947, một số giáo dân cùng nhau vận động 7 vị kỳ lão người lương thuộc làng Phú Xương đồng ý ký tên cho đất để bà con giáo dân dựng lên một Nhà nguyện, làm nơi tụ họp thờ phượng Chúa. Năm 1951, có khoảng 10 gia đình Công giáo ở dưới chân đồi Phanxicô gia nhập với số giáo dân ở làng Phú Xương.
Sau Hiệp định Geneve 1954, một bộ phận nhân dân di cư từ Bắc vào Nam, một số người Công giáo đã đến xin tá túc tại đây. Nhận thấy Phú Xương không còn đủ đất canh tác cho số người ngày càng đông, các cha sứ đã quyết định dẫn toàn bộ các gia đình Công giáo đến định cư tại vùng đất dọc bờ biển từ Hòn Chồng đến Đồng Đế. Địa danh Thanh Hải xuất hiện trong thời gian này.
Năm 1957, Tu viện Phanxicô cử ông Trần Hữu Đức thay ông Dương Liên Mỹ Thanh Hải. Năm 1960, ông Marcello Piquet Lợi chính thức nâng họ đạo Thanh Hải lên hàng Giáo xứ và cử ông Lê Hồng Thanh làm quản xứ. Từ đó, giáo xứ Thanh Hải dần phát triển, thu hút nhiều gia đình Công giáo từ các nơi đến sinh sống. Đặc biệt, các sinh hoạt của giáo xứ Thanh Hải ngày thêm phong phú nhờ có sự hiện diện của Tiểu Chủng viện Sao Biển, Dòng kín Carmel, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Trinh Vương Gò Thị, Nhà Hưu dưỡng các Linh Mục.
Vào năm 1967, số giáo dân Thanh Hải đã lên đến 1.600 người, nên sau 1 năm nhậm chức Giáo phận Nha Trang, ông Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã cử ông Augustinô Phạm Văn Nguyện làm quản xứ Thanh Hải và đã xây dựng cho giáo xứ một ngôi Thánh đường hiện đại, đáp ứng với nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân.
Trước năm 1975, dân cư Thanh Hải có đến 95% là Công giáo. Đa số sống bằng nghề trồng rau, chăn nuôi, chài lưới và một số nghề thủ công khác. Sau ngày thống nhất 2 miền Nam Bắc, một số giáo dân thay đổi chỗ ở, nhưng đồng thời, nhờ khí hậu ôn hoà của vùng ven bờ biển, một số khá đông lương dân đến mua đất định cư. Hiện nay, Giáo xứ Thanh Hải với một ngôi Thánh đường tuy kiến trúc đơn sơ nhưng thoáng mát, được tô điểm trang nhã hài hoà, những cơ sở vật chất đa năng như: Nhà xứ, Hội trường, Nghĩa đường, Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, Nhà sinh hoạt giáo lý, Nhà chầu Thánh Thể... đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ một cách tốt đẹp. Một điểm đặc biệt mà giáo dân Thanh Hải có, đó là sự hiện diện của hơn 13 Cộng đoàn Dòng tu cư ngụ trong địa bàn của giáo xứ, trở thành những tấm gương sáng cho mọi người trong đời sống đức tin và phục vụ tha nhân.
(Trích Lịch sử cách mạng phường Vĩnh Hải 1930-2010; 2016)