Vĩnh Hải là phường nội thành nằm ở cửa ngõ ra vào của thành phố Nha Trang, cách trung tâm khoảng 3,5km về phía Đông Bắc; có vị trí , chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh hết sức quan trọng, mang tính chiến lược thành phố Nha Trang trong cả hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong thời bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua những thăng trầm lịch sử, vùng đất Vĩnh Hải hiện nay đã thu hẹp lại không gian theo yêu cầu quản lý, phân chia địa giới hành chính xã, phường trong thành phố. Diện tích tự nhiên hiện nay phường Vĩnh Hải là 4,48km2.
Vĩnh Hải có địa hình tương đối bằng phẳng, xen kẽ giữa đồng bằng với cac ngọn núi nhỏ độc lập, phân bố rải rác ở phía bắc và phía tây cửa phường; có vị trí tứ cận như sau:
- Phía Đông giáp Vịnh Nha Trang (tuyến đường Phạm Văn Đồng)
- Phía Tây giáp xã Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Phương.
- Phía Nam giáp phường Vĩnh Phước, phường Ngọc Hiệp.
- Phía Bắc giáp phường Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lương.
Về khí hậu: Vĩnh Hải nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm thời tiết nắng ấm, khô ráo, ôn hòa. Thời tiết phân chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Nhiệt độ trung bình là 280C thích hợp cho nghỉ dưỡng và chữa bệnh đối với du khách trong và ngoài nước.
Về hệ thống giao thông: Hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn phường Vĩnh Hải phát triển khá toàn diện, tương đối thuận lợi và đồng bộ. Vĩnh Hải nằm giữa trục đường 2 tháng 4, phía Nam đi qua phường Vĩnh Phước vào trung tâm thành phố, phía Bắc phường theo đường 2 tháng 4 nối với bến xe phía Bắc (ngã ba Đại Hàn) đi liên tỉnh và nội tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có các điểm bãi đỗ xe tải, xe khách, xe taxi và tuyến xe buýt dọc đường 2 tháng 4, đường Củ Chi, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng…phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện trong sinh hoạt, học tập, lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Về biển và tiềm năng kinh tế biển: Vĩnh Hải có gần 1km bờ biển, nằm dọc trục đường bộ Phạm Văn Đồng giữ vai trò là mặt tiền phía Đông Bắc của thành phố Nha trang với các tuyến đường phố chính Củ Chi, Bắc sơn, Đặng Tất, Hòn Chồng, Nguyễn Biểu, Mai Xuân thưởng nối ra biển đi các khu du lịch biển đảo nổi tiếng phía Nam và các tuyến du lịch phía Bắc thành phố.
(Trích: Lịch sử cách mạng phường Vĩnh Hải 1930-2010; 2016)